Tru Tiên – Chương 2: Thanh Vân – Botruyen

Tru Tiên - Chương 2: Thanh Vân

Dãy núi Thanh Vân nguy nga sừng sững, hùng cứ Trung Nguyên, phía bắc núi có
một dòng sông lớn tên gọi Hồng Xuyên, phía nam là trấn quan trọng “Hà Dương
Thành”, chẹn lấy chỗ hiểm yếu của thiên hạ, vị trí địa lý hết sức trọng yếu.

Núi Thanh Vân kéo dài liên tục trăm dặm, nhấp nhô trùng điệp, có bảy ngọn cao
nhất, vươn ngập trong mây, ngày thường chỉ thấy mây trắng vờn quanh sườn núi,
không nhìn được đỉnh ngọn. Núi Thanh Vân có rừng rậm rạp, có thác đổ, vách núi
dị kỳ, chim quý thú lạ rất nhiều, cảnh quan âm u hiểm trở, nổi tiếng trong
thiên hạ.

Nhưng còn nổi tiếng hơn, lại là một môn phái tu chân trên núi này — Thanh Vân
Môn.

Thanh Vân Môn có lịch sử rất lâu đời, từ khi sáng lập đến giờ đã hai ngàn năm
có lẻ, đứng đầu trong hai phái chính tà hiện nay.

Nghe nói tổ sư khai phái vốn là một thầy tướng trong giang hồ, nửa đời thất
vọng, buồn bực bất đắc chí. Năm 49 tuổi, ngao du khắp nơi, trên đường đi qua
núi Thanh Vân, vừa nhìn đã nhận ra nơi đây có vẻ thiêng liêng kỳ tú, tụ được
linh khí của trời đất, là một nơi tốt đẹp vào bậc nhất. Lập tức đăng sơn, ăn
gió nằm sương, tu chân luyện đạo, chưa được bao lâu, lại tìm đuợc một quyển
sách cổ không tựa đề trong một hang sâu bí mật, trên đó ghi chép những thuật
pháp môn kỳ ảo, thâm thuý cao xa, mà lại diệu dụng vô cùng, uy lực cực lớn.

Thầy tướng nọ được mối kỳ ngộ này, dốc lòng tu tập. Thấm thoắt hai mươi năm,
có chút tựu thành, bèn xuất núi. Trải qua mấy trận mưa gió giang hồ, tuy không
thể độc bá thiên hạ, nhưng cũng trở thành người hùng một phương. Bèn ở trên
núi Thanh Vân, khai tông lập phái, đặt tên “Thanh Vân”. Vì nội dung trong
quyển sách không có tựa đề kia rất gần với đạo gia, nên ông ta bèn phục trang
đạo nhân, tự xưng hiệu Thanh Vân Tử, đệ tử đời sau tôn xưng là Thanh Vân Chân
Nhân.

Thanh Vân Tử thọ 167 tuổi, sinh thời thu nạp mười đệ tử, lúc lâm chung có dặn
rằng: “Ta nửa đời đã học đến tận cùng về tướng thuật, tinh yếu nhất chính là
tướng phong thủy. Núi Thanh Vân này là linh địa hiếm có trong nhân gian, phái
Thanh Vân ta giữ ngọn núi này, về sau nhất định sẽ hưng thịnh, các ngươi quyết
không thể bỏ được. Nhớ lấy, nhớ lấy!”

Lúc ấy mười đệ tử đều gật đầu, tin tưởng chắc chắn rồi, Thanh Vân Tử mới nhắm
mắt tắt nghỉ. Không ngờ trong vòng một trăm năm sau đó, chẳng biết là có phải
ý trời ghẹo người, hoặc căn bản là Thanh Vân Tử tướng thuật không tinh, Thanh
Vân Môn không chỉ không phát triển, mà mỗi ngày một suy vi.

Trong mười đệ tử, có hai người chết sớm, bốn người bỏ mạng trong những cuộc
huyết sát giang hồ, một người tàn phế, một người mất tích, chỉ truyền lại hai
chi phái.

Trải qua năm mươi năm, trong vòng một trăm dặm quanh núi Thanh Sơn đã xảy ra
những thiên tai địa chấn chưa từng có, ngập lụt khủng khiếp, đất rung núi
chuyển, tử thương vô số, lại dứt tuyệt đi một chi phái. Mà còn lại mỗi một
người, nhưng tư chất có hạn, bản lĩnh thấp kém, vốn chẳng thể khôi phục được
phong quang năm xưa của Thanh Vân Tử, lại còn vì duyên cớ quyển sách cổ kia,
kích động kẻ thù bên ngoài đến tranh đoạt, mấy phen huyết chiến, nếu không
phải là nhờ mấy pháp bảo lợi hại mà Thanh Vân Tử để lại, thì e rằng Thanh Vân
Môn đã bị người ta diệt tận rồi.

Tình cảnh này kéo dài đúng bốn trăm năm, Thanh Vân Môn không hề khởi sắc, hầu
như có thể dùng từ “ngắc ngoải” để hình dung. Đến phút cuối, thậm chí còn bị
người bắt nạt đến tận cửa nhà, trong bảy ngọn núi cao của Thanh Vân, ngoài
ngọn chính Thông Thiên Phong, sáu ngọn còn lại đều bị ngoại địch chiếm hết,
trong đám ngoại địch đó còn có cường đạo hãn phỉ, lấy làm cứ điểm, cướp bóc
bốn phương, hoành hành ngang ngược.

Những người không rõ nội tình phần lớn đều hiểu nhầm, cho rằng Thanh Vân Môn
đã sa sút mất rồi, mặc dù đệ tử Thanh Vân giải thích rất nhiều, rằng cũng có
lòng giết địch, hiềm nỗi lực bất tòng tâm, thật đáng thương. Đến nay nghĩ lại,
lúc ấy quả thực là quãng thời gian cay đắng nhất của cả phái Thanh Vân.

Mãi cho đến thời điểm một nghìn ba trăm năm trước, tình hình mới có thay đổi.

Có lẽ là tướng thuật của Thanh Vân Tử rốt cục cũng hiển linh, hoặc là trời già
mệt rồi, không muốn trêu cợt Thanh Vân Môn nữa, đến lúc ấy, trong đám truyền
nhân đời thứ mười một của Thanh Vân Môn, lại xuất hiện một nhân vật tuyệt
luân, kinh thế hãi tục đứng lên dẫn dắt – Thanh Diệp Đạo Nhân.

Thanh Diệp tục gia họ Diệp, vốn là một thư sinh nghèo khổ, thiên tư đĩnh ngộ
hơn người, nhưng ứng thí rất nhiều lần mà không trúng, sau này cơ duyên xảo
hợp, được Vô Phương Tử chưởng môn đời thứ mười của Thanh Vân Môn thu làm đệ
tử, lúc ấy tuổi mới 22.

Sau khi Thanh Diệp nhập môn, chỉ qua một năm đã lĩnh hội quán thông hết thảy
những kiếm thuật pháp đạo do Vô Phương Tử truyền cho, độc chiếm hàng đầu trong
đám đệ tử. Lại qua một năm, đến Vô Phương Tử cũng chỉ có thể dựa vào sự tu
hành thâm hậu mới cố gắng đánh được ngang tay với y. Vô Phương Tử vừa ngạc
nhiên vừa vui mừng, quyết định lấy quyển sách cổ mà tổ sư truyền lại đem cho
Thanh Diệp tự tham tường tu tập. Thanh Diệp bèn bế quan ở Huyễn Nguyệt Động
đằng sau ngọn Thông Thiên Phong, lần bế quan này kéo dài mười ba năm.

Nghe nói lúc y phá cửa thoát ra, là vào một đêm trăng tròn. Đêm ấy trăng lạnh
treo cao, cả ngọn Thông Thiên Phong núi Thanh Vân sáng rực như ban ngày. Thốt
nhiên cuồng phong ập tới, đằng sau núi lại có tiếng hú ngân dài, vang động đến
trăm dặm, ai nghe thấy không khỏi biến sắc. Sau, có ánh sáng tốt lành tím nhạt
dâng lên ngập trời, một tiếng động cực lớn, Huyễn Nguyệt Động phủ rộng rãi
sáng tỏ, Thanh Diệp râu tóc bạc hết, mặt điểm nụ cười, thân mình có thanh
quang, chậm rãi bước ra, mọi người kinh ngạc, tưởng đã thành tiên.

Sau đó, Thanh Diệp chính thức xuất gia, lấy họ Diệp của mình, thêm vào chữ
Thanh trong Thanh Vân, lấy tên là Thanh Diệp.

Ngày hôm đó y cười bái biệt ân sư Vô Phương Tử, nói: “Sư tôn xin hãy đợi, đệ
tử đi làm mấy việc, một ngày là sẽ quay về.”

Mọi người không rõ ý tứ, một ngày đêm sau Thanh Diệp chống kiếm quay về, ngoại
địch ở sáu ngọn của Thanh Vân đã bị mai phục chém sạch. Thanh Diệp Đạo Nhân
đạo pháp thâm sâu, thủ đoạn tàn độc, một thời gian đã danh động thiên hạ,
thanh thế của Thanh Vân Môn đại thịnh.

Lại qua một năm, Vô Phương Tử đem chức vị chưởng môn truyền cho Thanh Diệp,
còn mình thì chay tịnh thanh tu, không lý đến những chuyện lặt vặt trong môn
nữa. Thanh Diệp chấp chưởng rồi, dốc sức vì môn phái, hết lòng trợ giúp đồng
môn, nghiêm khắc tuyển chọn truyền nhân, lại nhờ những điều đã lĩnh hội được
từ quyển sách cổ, có được cái uy quỷ thần vô lượng.

Thanh Vân Môn từ đó ngày một tăng tiến, trong vòng 50 năm, đã trở thành trụ
cột trong chính đạo, thêm hai trăm năm sau, đã trở lành lãnh tụ của các môn
các phái chính đạo.

Thanh Diệp Chân Nhân thọ đến 550 tuổi, cả đời thu nạp đồ đệ rất nghiêm khắc,
chỉ truyền thụ cho có bảy người, chia bảy ngọn núi cho họ, lệnh cho thất chi
phái cùng nhau truyền hương hoả. Trong đó trưởng môn ngụ ở ngọn chính Thông
Thiên Phong, là chi phái trọng tâm.

Cho đến nay, đệ tử của Thanh Vân Môn đã gần một nghìn người, cao thủ như mây,
thanh uy hiển hách, cùng với Thiên Âm Tự, Phần Hương Cốc tề danh tam đại môn
phái. Chưởng môn Đạo Huyền Chân Nhân, công tham tạo hoá, siêu phàm nhập thánh,
là một nhân vật tuyệt thế bậc nhất đương thời.

Dưới chân núi Thanh Vân, ở phía Tây Bắc cách Hà Dương Thành chừng 50 dặm, có
một thôn nhỏ tên là Thảo Miếu.

Thôn này có hơn bốn mươi hộ dân, tính tình thuần phác, dân cư phần lớn sinh
sống bằng cách lên núi đánh củi bán cho Thanh Vân Môn đổi lấy ngân lượng.

Ngày thường thôn dân thường thấy đệ tử Thanh Vân Môn đi tới đi lui, phần nhiều
thần kỳ, đối với Thanh Vân Môn rất là sùng bái, coi như tiên gia đắc đạo. Mà
Thanh Vân Môn từ xưa đến nay thường chiếu cố dân chúng quanh vùng, với thôn
dân ở đây cư xử cũng không tệ.

Hôm ấy, trời âm u, mây đen trĩu thấp, khiến người ta có cảm giác nặng nề nghẹn
thở.

Từ thôn Thảo Miếu nhìn ra, núi Thanh Vân sừng sững xuyên thẳng lên trời, ngọn
cao vách cheo leo, âm thầm dữ tợn. Chỉ có điều, thôn dân đời đời ở đây, cảnh
tượng ấy đã nhìn quen không biết bao nhiêu lần, nên cũng không để ý, còn bọn
trẻ nhỏ chưa biết gì thì càng không phải nói.

**

  • “Xú tiểu tử, mi chạy đi đâu đó?”

Một tiếng la mắng, kèm theo là mấy hồi cười cợt, phát ra từ miệng một đứa trẻ
lơn lớn. Nó lối 12, 13 tuổi, mi thanh mục túc, dẫn theo chừng bốn, năm đứa bé
con cả trai cả gái, đuổi theo một thằng nhỏ khác chạy phía trước. Thằng nhỏ ấy
nom bé hơn nó chừng hai tuổi, người thâm thấp, mặt mũi hớn ha hớn hở, đang dốc
sức chạy đi, vừa chạy vừa ngoảnh đầu lại nhăn mặt trêu.

“Trương Tiểu Phàm, mi muốn tốt thì đứng lại!” đứa trẻ chạy theo cao giọng gọi.

Thằng nhỏ chạy trước, tên gọi Trương Tiểu Phàm “xì” một tiếng, vừa chạy vừa
kêu: “Mi làm như ta là đồ ngốc vậy!” Nói đoạn lại còn chạy nhanh hơn.

Trên đường đuổi bắt, mấy đứa trẻ càng lúc càng chạy gần đến toà miếu cỏ vừa cũ
vừa nát ở phía đông thôn. Từ ngoài nhìn vào, toà miếu cỏ này rách nát không
thể chịu được, chẳng biết là đã trải qua gió mưa mấy kiếp.

Trương Tiểu Phàm chạy đầu tiên xông tọt vào, ai ngờ không chú ý, lại vấp phải
ván cửa, tòm một cái, ngã lộn nhào.

Mấy đứa trẻ đằng sau mừng rỡ, nhao nhao lao lại, đè lên mình thằng nhỏ, đứa bé
mi thanh mục tú kia vẻ mặt đắc ý, cười bảo: “Bị ta bắt được rồi! Lần này mi
chẳng có gì để nói nữa, phải không nào?”

Ai ngờ Trương Tiểu Phàm đảo mắt kỳ dị, nói: “Không tính không tính, mi ám toán
ta, tính làm sao được?”

Đứa trẻ kia ngạc nhiên, lạ lùng bảo: “Ta ám toán mi lúc nào?”

Trương Tiểu Phàm đáp: “Giỏi lắm Lâm Kinh Vũ, mi dám nói cái ván cửa này không
phải là mi đặt ở đây ư?”

Đứa trẻ tên gọi Lâm Kinh Vũ kia hét to: “Đời nào có chuyện ấy!”

Trương Tiểu Phàm chúm miệng, nghiêng đầu, có vẻ nhất định không đầu hàng,
không khuất phục.

Lâm Kinh Vũ tức khí bốc lên đầu, một tay chẹn lấy cổ nó, giận dữ bảo: “Nói rồi
bắt được là phải nhận thua, mi phục hay không phục?”

Trương Tiểu Phàm chẳng hề lý đến.

Lâm Kinh Vũ sắc mặt đỏ bừng, vận sức vào tay, hét lớn: “Phục hay không phục?”

Khí quản của Trương Tiểu Phàm bị nó bóp chặt, hô hấp dần dần khó khăn, sắc mặt
bắt đầu bầm lên, nhưng nó tuổi tuy nhỏ, tính khí lại rất quật cường, cứng cỏi
không hề kêu một tiếng.

Lâm Kinh Vũ thì càng lúc càng giận, lực ở tay càng lúc càng lớn, miệng thì cứ
lặp đi lặp lại: “Phục hay không phục? Phục hay không phục? Phục hay không
phục?!”

Lúc ấy bọn trẻ kia thấy cũng không đúng, bèn lặng lẽ co rúm lại với nhau, chỉ
còn trơ hai đứa bé non dại, vì tranh cãi, rồi do cái tính quá khích của đôi
bên, đều cứ gan lì mãi.

Có vẻ một trường đại hoạ sắp xảy ra, thốt nghe góc sâu trong miếu cỏ niệm phật
hiệu, rồi có người nói: “A di đà phật, mau mau dừng tay.”

Một nắm tay khô xác, xé qua làn không lao đến, thò ra hai ngón, búng vào hai
tay Lâm Kinh Vũ. Lâm Kinh Vũ như bị giật, toàn thân chấn động, hai tay tự
nhiên lỏng ra.

Trương Tiểu Phàm há miệng nghẹn ngào, rõ là bị bí thở lâu quá. Hai đứa nó đờ
ra tại chỗ, định thần lại được, nhớ ra tình cảnh vừa rồi, liền nhìn nhau.

Lâm Kinh Vũ đờ đẫn bảo: “Tiểu Phàm, xin lỗi nhe. Ta cũng không biết làm sao
mà…”

Trương Tiểu Phàm lắc lắc đầu, hơi thở dần dần điều hoà, nói: “Không sao. Ồ,
lão là ai?”

Bọn trẻ nhìn theo ánh mắt nó, thì thấy trong miếu, có một hoà thượng già đứng
đó, trên mặt nếp nhăn chi chít, khoác một tấm cà sa rách mướp, cả người từ
trên xuống dưới bẩn thỉu nhem nhuốc. Chỉ có chuỗi tràng hạt bích ngọc đang cầm
trong tay là óng ánh loá mắt, chiếu ra những tia sáng xanh nhạt.

Điều kỳ lạ là, trong chuỗi tràng hạt bích ngọc mười mấy viên chằn chặn, chiếu
sáng lấp lánh thì lại lẫn vào một viên đá chẳng ra đá ngọc chẳng ra ngọc, màu
tím sẫm, ảm đạm vô quang.